Danh mục
Quảng cáo
Lượt truy cập : 529603
Trực tuyến: 22
TIN TRONG NGHÀNH
DN vận tải “choáng váng” vì giá xăng dầu
- Việc xăng dầu tăng giá đã được các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành vận tải "tính đến" trong kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên tăng 4.500 đồng/lít xăng, 2.000 đồng/lít dầu diezel vẫn khiến nhiều người phải choáng váng và chuyện tăng giá cước vận tải chỉ còn là “ngày một, ngày hai”.
Lao đao và tăng giá
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào đầu giờ chiều ngày 21/7, lãnh đạo một số công ty taxi tại Hà Nội chỉ thiếu nước kêu trời khi hỏi về điều chỉnh của hãng taxi này trước mức tăng đến chóng mặt của giá xăng, dầu vào ngày hôm nay.
Cùng với đó, đại diện Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và nhiều công ty, HTX kinh doanh trong lĩnh vực này cũng cho biết: đang nghe ngóng tình hình đồng nghiệp nhưng chuyện tăng giá sẽ là khó tránh khỏi!
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết: theo tính toán của Hiệp hội, với giá xăng như hiện nay thì chí phí nhiên liệu của một xe taxi sẽ tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nếu giữ nguyên mức giá cũ thì không đơn vị nào dám đưa xe ra chạy nữa nên chắc chắn việc điều chỉnh tăng giá cước là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, tăng như thế nào thì các doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để bàn bạc, thống nhất, chứ không thể mỗi đơn vị tăng một kiểu, gây bức xúc dư luận. Hiệp hội cũng đã tính toán và dự kiến mức tăng sẽ vào khoảng 1.500 - 1.800 đồng/km.
Với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, vì mới có quyết định tăng giá xăng, dầu nên hiện giờ Hiệp hội vận tải ô tô chưa nhận được phản ánh của các doanh nghiệp vận tải nhưng việc tăng giá cước là điều sẽ xảt ra. Cũng theo ông Hùng, lần tăng giá này khiến các doanh nghiệp phải choáng váng.
Trước câu hỏi lần tăng giá xăng này sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp hoạt động vận tải, ông Hùng ngậm ngùi nói: việc tăng giá xăng, dầu vào thời điểm này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị kinh doanh vận tải. Các doanh nghiệp sẽ phải tính toán tăng giá cước để bù vào chi phí vận tải.
Khi nào vận tải tăng giá?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: trong bối cảnh các doanh nghiệp có quyền tự điều chỉnh giá cước như hiện nay, trước khi điều chỉnh mỗi doanh nghiệp đều nghiên cứu rất kỹ trên cơ sở xem xét cung, cầu để có giá cạnh tranh. Thông thường phải sau từ 7 đến 10 ngày kể từ xăng, dầu tăng giá, các doanh nghiệp vận tải mới điều chỉnh giá.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Tuyến, Giám đốc công ty TNHH Hoàng Long cho biết, đợt tăng giá xăng dầu tháng 2/2008, công ty đã phải bù lỗ 10 tỷ. Giá cước vận tải của Hoàng Long vừa tăng được ít lâu nên hiện nay việc tăng giá cước phải cân nhắc. Đại diện các hãng taxi tại Hà Nội cũng chưa có động thái đặc biệt sau khi xăng tăng giá.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình: “Việc tăng giá cước là quyền của từng hãng, nhưng chỉ nên tăng ở mức hợp lý và không thể liên tục điều chỉnh. Với vai trò của mình, Hiệp hội sẽ yêu cầu các hội viên không được “té nước theo mưa”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh vận tải Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết: “với đợt xăng dầu tăng giá tháng 2/2008. Tổng công ty Đường sắt tính toán khoản bù lỗ khoảng 200 tỷ trong năm 2008. Nhưng với đợt tăng giá lần này, chi phí bù lỗ của Tổng công ty sẽ chạm ngưỡng 300 tỷ”.
Một quan chức Tổng công ty này cho biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang cân nhắc khả năng phụ thu để bù vào mức chênh lệch trượt giá nhiên liệu.
Các ý kiến vào cuối ngày mà chúng tôi ghi nhận được đều cho ra một đáp số: việc tăng giá cước vận tải trong tình hình giá xăng dầu thế giới tăng liên tục cần thiết để bảo đảm cho người làm nghề vận tải đủ sống. Tuy nhiên, việc tăng đến đâu cũng đang được cân nhắc rất thận trọng.