TIN TRONG NGHÀNH

Kiểm tra quản lý vận tải tại 21 địa phương

 

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, các đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải sẽ kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý vận tải tại 21 tỉnh, thành phố.

 


 

Ảnh minh họa

21 tỉnh, thành phố gồm: Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Phú Thọ, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, An Giang, Cần Thơ.

Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho biết, đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong lĩnh vực vận tải đường bộ.

Các đoàn cũng sẽ tập trung kiểm tra đột xuất 5 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô tại mỗi tỉnh; việc cấp phép kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô; mở tuyến, công bố tuyến; xây dựng, tổ chức thực hiện thời gian biểu chạy xe và đặc biệt là việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

Việc quản lý và cấp giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container; hoạt động của thiết bị giám sát hành trình lắp trên ô tô… cũng sẽ được kiểm tra chặt chẽ.

Các đoàn kiểm tra cũng sẽ lắng nghe những kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp để tìm những giải pháp tháo gỡ, nhằm nâng cao hiệu quản lý và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Theo kế hoạch, ngày 15/7 tới, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường dẫn đầu sẽ đi kiểm tra công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý vận tải tại 3 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Sơn La. Đây là chuyến công tác mở đầu cho đợt kiểm tra của Bộ tại các địa phương để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, tai nạn giao thông tăng cao.


Năm 2013 là năm an toàn giao thông, mặc dù các biện pháp được các cấp tổ chức quyết liệt ngay từ đầu năm, số vụ tai nạn giảm nhưng số người thiệt mạng lại gia tăng, gần 6% so với 6 tháng cùng kỳ 2012.

Phân tích các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng cho thấy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn bao gồm: do ý thức, đạo đức và sức khoẻ của người lái xe không đảm bảo theo quy định, dẫn đến những hành vi vi phạm về tốc độ, đi sai phần đường, vượt xe không đúng quy định.

Nguyên nhân chủ quan là do có sự buông lỏng trong công tác quản lý Nhà nước về vận tải, cũng như những hạn chế về hiệu lực và hiệu quả của công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải.

 

Tin khác